Làn sóng bán tháo 'trâu cày' trên thị trường đào tiền ảo
Từ nửa cuối 2018, có một làn sóng bán thiết bị trên thị trường mua bán máy đào tiền ảo cũ ở Trung Quốc. Trong một mục đăng bán trên website chuyên kinh doanh loại thiết bị này, "trâu cày" có tên mã S9 đã qua sử dụng giảm giá chỉ còn 1.200-1.500 nhân dân tệ (173-216 USD), trong khi trên trang chủ của nhà sản xuất có giá mua mới là 3.000 tệ (433 USD). Trước đây, khi thị trường tiền ảo lên cơn sốt, giá của thiết bị này thậm chí được nâng lên hơn 20.000 nhân dân tệ (2.886 USD).
Giá của T9, một loại "trâu cày" với cấu hình cũ hơn, được rao bán lại chỉ 500-600 nhân dân tệ (khoảng 72-86 USD), bằng 1/3 giá máy mới. Theo Odaily, trên chợ điện tử cybtc.com có tới 2.176 thông tin giao dịch về máy đào tiền ảo cũ kể từ ngày 5-7/11 và 72,8% trong số này là thông tin rao bán.
Trong một nhóm chat trên QQ, nhiều thợ đào tiền ảo tiết lộ họ không thể bán các máy đào tiền ảo cũ, đặc biệt các thiết bị cấu hình thấp bởi chúng có công nghệ lạc hậu và tiêu tốn quá nhiều điện năng. So với các thiết bị mới trên thị trường, "đây không khác gì đống sắt vụn".
Ở giai đoạn tiền ảo có giá cao, giá máy đã bị đội lên rất nhiều nhưng vẫn nhiều người mua. Nay giá tiền ảo giảm, tiền thu về từ không đủ trả tiền điện và các chi phí khác, vì vậy họ phải bán chúng đi. Không giống tiền tệ thông thường, có thể cứ để đó để chờ giá lên cao. Các thiết bị đào tiền ảo cần làm việc liên tục mỗi ngày, đi kèm là khoản tiền điện khổng lồ. Những người không thể chịu nổi áp lực về tài chính chỉ có thể buông bỏ.
Dàn máy đào tiền ảo và card đồ họa được một chủ mỏ rao bán. Ảnh: Cybtc. |
Trần Hạo là một nhà đầu tư nhỏ. Cách đây vài tháng, nghe lời một người bạn, anh dồn tiền mua thêm 10 "trâu cày" có tên DR3 để đào tiền ảo DCR. Trước khi nhận loạt máy mới, anh đã tìm được một nhà xưởng bỏ hoang trong khu công nghiệp cũ ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Do nơi đây không có điện, anh mất khoảng hai ngày để đào hố chôn cột và yêu cầu thợ điện tới kéo cáp. Một số bức tường chắn gần đó cũng được đập bỏ.
Sau khi hoàn thành, thợ điện đột nhiên nói với Trần Hạo rằng hóa đơn tiền điện ở đây được tính theo kiểu bậc thang. Khoảng 1,05 nhân dân tệ (0,15 USD) một số, gấp đôi so với mức 0,5 nhân dân tệ mà bạn anh đã nói. Không thể chịu được giá điện này, anh trả lại nhà máy vừa thuê, xây lại bức tường vừa phá hủy cách đó vài hôm, để lại cây cột và đường dây cáp điện dang dở.
Sau đó, một người bạn đang đào tiền ảo tại nhà gọi tới nói rằng có đủ chỗ cho anh chỗ đặt máy cùng. Anh không cần trả tiền thuê nhà nhưng chi phí tiêu thụ điện thì của ai người đó trả.
"Nếu tôi có nhiều máy thì đã lên vùng rừng núi để thuê gửi nhờ rồi. Họ chỉ cho thuê chỗ cho 100 chiếc trở lên, nhưng ở đây tôi chỉ có 10 cái", Trần Hạo giải thích. Gần đây, anh bắt đầu hỏi mọi người trong nhóm chat QQ xem có ai muốn mua lại thiết bị không. Tuy nhiên, chẳng ai hồi đáp.
Những người như Trần Hạo được xem là chân dung điển hình của những "tay mơ" muốn kiếm lời từ thị trường tiền ảo. Họ không nhận thức rõ về ngành công nghiệp này cũng như không đủ nguồn lực để tìm kiếm nơi có mức giá điện thấp. Vội vã nhảy vào thị trường và dưới áp lực chi phí cao, kết quả cuối cùng chỉ có thể là thất bại.
"Dừng lại một phút là mất tiền rồi. Vậy nên chỉ có thể vừa đào vừa tìm người bán", Trần Hạo nói. "Không còn đường quay lại, đây sẽ là lần rút lui cuối cùng của tôi".
Một mỏ đào tiền ảo quy mô lớn được xây dựng sát bờ sông ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. |
Sau một thời gian ngắn, Trần Hạo cuối cùng đã tìm thấy người mua, tên là Lưu Triết Khải. Sau khi đạt được thỏa thuận, toàn bộ số thiết bị sẽ lên tàu từ Thẩm Dương đi Bắc Kinh. Không đầu tư giống như Trần Hạo, ông Lưu là một trung gian mua bán. 10 chiếc máy đào tiền ảo sẽ được bán cho một công ty có mỏ lớn ở khu vực miền núi của tỉnh Tứ Xuyên.
Lưu Triết Khải đã chia sẻ hình ảnh và video trên điện thoại di động của mình về mỏ đào tiền ảo của khách hàng. Trong video, có một nhà xưởng cùng trạm thủy điện xây cạnh dòng suối chảy xiết. Tiếng ồn trong video không thể phân biệt được là tiếng của những con sóng, hay âm thanh từ trạm thủy điện và nhà xưởng bên bờ.
Theo ông Lưu, mỏ này chỉ phải trả khoảng 0,38 nhân dân tệ (0,05 USD) một số điện. Trong khi đó, mỗi máy đào tiền ảo kiếm được khoảng 4 nhân dân tệ (0,57 USD) một ngày. Nơi đây có khoảng 20.000 máy, một ngày thu về 80.000 nhân dân tệ. Năm ngoái, cũng với số thiết bị này, mỏ thu về 4 triệu nhân dân tệ một ngày. Ông nói rằng nếu nhà máy thủy điện này lớn hơn, hóa đơn tiền điện càng rẻ.
"Để giảm chi phí, bạn phải xem xét các nguồn lực của công ty, thậm chí cả mối quan hệ với chính quyền", ông nói. "Các mỏ nhỏ, với số lượng máy đào chỉ vài nghìn, ngày càng khó tồn tại".
Công ty của Lưu Triết Khải kinh doanh các thiết bị đào tiền ảo, cả mới lẫn cũ. Công việc của họ hiện giờ chủ yếu là tìm mua các thiết bị cũ của những mỏ hay nhà đầu tư nhỏ lẻ, bán lại cho các đơn vị quy mô lớn. Ông tiết lộ công ty của mình vẫn đang ở trong tình trạng có lợi nhuận, nhưng tiền lãi không thể so sánh với cùng kỳ năm ngoái.
Lưu Tiên Mẫn, một cựu chủ mỏ, cũng nói một số quỹ và các công ty lớn đang bắt đầu tìm mua thiết bị cũ. Bởi vì lợi nhuận trong các ngành công nghiệp truyền thống rất thấp, mọi người vẫn muốn tìm cơ hội trong lĩnh vực kinh doanh mới này.
Theo ông, có hai cách khác nhau để tham gia vào sân chơi này. Một là tự xây dựng các mỏ đào tiền ảo của riêng mình. Hai là "lướt sóng", mua bán lại các đồng tiền ảo. Tuy nhiên với các công ty lớn, khó khăn nhất là làm sao có được sự cấp phép từ chính quyền. Cách đây không lâu, thậm chí có thông tin một số nhà đầu tư đã tìm cách triển khai công việc kinh doanh sang các nước ở khu vực châu Phi. Một chủ mỏ lớn đã tuyên bố trên Weibo rằng đã đào được những đồng tiền ảo đầu tiên ở Trung Đông và kêu gọi mọi người cùng tới đó kinh doanh. Nhìn chung, nhiều nhà đầu tư và chủ mỏ lớn vẫn có cái nhìn lạc quan về đào tiền ảo.
(theo Odaily)
No comments: