Biến “nguy” thành “cơ” cho chuyển đổi số trong dịch Covid-19
Phát biểu tại Đại hội đồng Cổ đông mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, cú hích của Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chưa từng có. Tâm trạng lo lắng, sợ hãi đang lan truyền và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, FPT sẵn sàng đối diện với thách thức để trở nên mạnh hơn sau đại dịch. FPT tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong dịch Covid-19. Với quốc tế, các đối tác sẽ xem xét lại quốc gia, công ty quản trị tốt trong chống dịch, và Việt Nam hay FPT là những cái tên sáng giá.
“Dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến mới. FPT đã sẵn sàng đương đầu để vượt qua thách thức này. Mỗi người là một chiến sĩ. Mỗi đơn vị là một pháo đài hoạt động mạnh mẽ trên 3 mặt trận: vừa chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động kinh doanh để bảo vệ công ăn việc làm, vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ở cả trong và ngoài nước. FPT sẽ tập trung củng cố nội lực, liên kết sức mạnh của các công ty thành viên, chuẩn bị thế và lực để vươn lên mạnh mẽ hơn sau dịch”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Bình đưa ra ví dụ, FPT đã ký hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với “vua tôm” Minh Phú cùng tham vọng giúp đối tác chinh phục 25% thị phần thế giới từ mức hiện tại là 4%. FPT cũng đang hoàn thiện hợp đồng với “vua gỗ” AA để nhanh chóng trở thành một trong hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành, dự án sẽ là sự kết hợp của gỗ và phần mềm để cùng nâng đẳng cấp toàn cầu.
Đánh giá về cơ hội và thách thức trong đại dịch Covid-19, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay phức tạp và khó dự báo. Mảng viễn thông và quảng cáo trực tuyến có thể gặp khó trong bán hàng, các khách hàng cắt giảm chi tiêu. Tương tự với công tác tuyển sinh và giảng dạy. Tuy nhiên, FPT xác định đây là thời chiến và đưa ra các giải pháp kịp thời, cập nhật các kịch bản kinh doanh để ứng phó, theo dõi chặt chẽ từng quý và kiểm soát hàng tuần.
“Toàn thể nhân viên FPT phải làm việc 200% sức lực để vượt qua giai đoạn này. Công ty chuyển đổi sang mô hình làm việc online, đưa ra các giải pháp tài chính, tăng cường chuyển đổi số nội bộ để nâng cao cạnh tranh. Lãnh đạo FPT xác định trong nguy có cơ và sẽ tìm kiếm mọi cơ hội trong nước và nước ngoài, tận dụng bối cảnh nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình online để vươn lên sau đại dịch” CEO FPT nói.
Trả lời về cơ hội sau đại dịch, CEO FPT cho rằng: "Covid đang mở ra rất nhiều cơ hội cho FPT từ hành vi của khách hàng, đến xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp. “Các sản phẩm ‘Made by FPT’ cũng đang được khách hàng đón nhận nhiệt tình theo dạng thuê dịch vụ, từ đấu thầu, xây dựng hệ thống theo yêu cầu sang hệ thống làm sẵn, cho thuê. Sau đại dịch, chúng tôi tin tưởng và chắc chắn rằng FPT sẽ nắm bắt được các cơ hội một cách tối đa”.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, nhấn mạnh dịch Covid-19 đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Bình cho rằng, tình huống đặt ra là doanh nghiệp sẽ chịu chết, đứng im cho khủng hoảng nhấn chìm hay lựa chọn xông pha, tự tạo nên cơ hội “cá bé nuốt cá lớn” để thích nghi và tăng trưởng. Ông Bình cho rằng khẩu hiệu “chuyển đổi số” chưa bao giờ dâng cao khí thế như lúc này bởi đó sẽ là công cụ hỗ trợ tăng thu giảm chi – giải pháp cần kíp cho các doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hùng Đinh, CEO Design Bold cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người làm doanh nghiệp trong nước phải đối diện với rất nhiều thử thách mới, buộc họ phải kịp thời thích ứng hay nguy cơ phá sản chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó, hai thử thách lớn nhất chính là chuyển dịch từ mô hình làm việc truyền thống sang làm việc từ xa, cũng như làm sao để tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ để vận hành doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, làm việc từ xa từ lâu đã trở thành văn hoá, phương pháp làm việc hiệu quả của các doanh nghiệp “đa quốc gia”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người mới thật sự có cái nhìn đúng mức về hình thức làm việc này. “Trên thị trường có rất nhiều các công cụ hỗ trợ tốt cho làm việc từ xa, chẳng cần đến công cụ nước ngoài. Cụ thể, để tổ chức các cuộc họp video có thể sử dụng Zalo, quản trị doanh nghiệp có các giải pháp đến từ Base, 1Office hay thiết kế có thể sử dụng các giải pháp của DesignBold, Haravan, Ladipage”, ông Hùng dẫn chứng.
Tuy nhiên, CEO DesignBold cho rằng, để làm việc trực tuyến thực sự hiệu quả, ngoài việc lựa chọn các bộ công cụ phù hợp, điều quan trọng nhất chính là phải chuyển đổi tư duy của lãnh đạo, người quản lý để từ đó chuyển đổi phương pháp cho các bộ phận. Bởi làm việc từ xa là tổng thể quy trình vận hành của doanh nghiệp, chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ là làm từ xa thì chỉ cần máy tính nối mạng là xong.
“Khi chuyển sang môi trường “cộng tác” online với đồng nghiệp, doanh nghiệp sẽ cần cả một quá trình chuyển đổi, nếu không sẽ không thể hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguyễn Thái
Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ chương trình “Làm việc từ xa, đẩy lùi Corona”?
Nhấn mạnh chương trình “Làm việc từ xa, đẩy lùi Corona” là hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi lớn nhất từ chương trình này.
No comments: