Ads Top

Hàn Quốc: Doanh nghiệp nào sẽ sống sót sau “bão” Covid-19?

Trong khi Covid-19 gây sóng gió cho không ít ngành công nghiệp tại Hàn Quốc, các công ty liên quan tới dịch vụ không tiếp xúc được dự đoán tăng trưởng mạnh hơn nữa sau đại dịch.

Coupang là một trong các công ty tăng trưởng tốt trong dịch Covid-19. Ảnh: Korea Herald

Doanh nghiệp thương mại điện tử dường như được hưởng lợi lớn nhất từ Covid-19. Theo Statistics Korea, giao dịch mua sắm qua mạng tại Hàn Quốc đạt 11,9 nghìn tỷ won trong tháng 2/2020, tăng 24,5% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong 16 tháng.

Coupang đang có thời gian vô cùng tốt với tăng trưởng trong giao dịch hàng tháng tăng 70% trong cùng kỳ, đạt 1,63 nghìn tỷ won.

Theo hãng chứng khoán Kyobo, thị trường thương mại điện tử trong nước dự kiến duy trì mức tăng trưởng cao từ 25% đến 35% theo năm ít nhất đến quý II/2020. Trong quá khứ, mua sắm trực tuyến tăng mạnh khi Hàn Quốc đối phó với đại dịch H1N1 năm 2009 hay MERS năm 2015.

Các công ty cổng thanh toán cũng “ăn nên làm ra”. Công nghệ cổng thanh toán được cả các cửa hàng bán lẻ truyền thống lẫn online sử dụng để cho khách hàng trả tiền bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ. Theo Ngân hàng Hàn Quốc, trung bình có 6,02 triệu lượt sử dụng các dịch vụ thanh toán đơn giản hàng ngày năm 2019, tăng 56,6% so với năm 2018.

Các dịch vụ thanh toán đơn giản là bất kỳ dịch vụ thanh toán điện tử nào cho phép người dùng trả tiền qua mạng hoặc trực tiếp một cách nhanh chóng, an toàn. Dịch Covid-19 dẫn đến tỉ lệ người dùng dịch vụ thanh toán đơn giản tăng mạnh trong thời gian từ tháng 2 tới tháng 3, theo ngành fintech.

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu là NHN Korea Cyber Payment, NICE Information & Telecommunication và KG Inicis. Lượng giao dịch của NHN Korea Cyber Payment trong tháng 3 vượt 2.000 tỷ won, mức cao chưa từng có.

Dịch vụ liên quan tới làm việc từ xa cũng phát triển do nhiều doanh nghiệp chọn làm việc tại nhà để thực hiện chỉ đạo cách ly xã hội. Hyosung ITX giới thiệu mảng kinh doanh “giải pháp trung tâm chăm sóc khách hàng thông minh” từ tháng 12/2019 để hỗ trợ tổng đài làm việc từ xa. Dịch vụ này đang được cung ứng cho tổng đài 1339 của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc.

Theo các nhà quan sát, ngay cả khi dịch bệnh được đẩy lùi, xu hướng mới trong dịch vụ trực tuyến cũng không tàn lụi nhanh chóng khi không tiếp xúc đã trở thành một phần cuộc sống. Covid-19 kéo dài mang lại nhiều thay đổi cho cuộc sống và kinh doanh. Yoo Seung Wha, Giáo sư danh dự của Đại học Ajou, nhận định: "Có những thứ là hiện tượng nhất thời nhưng trong nhiều trường hợp, nó sẽ hình thành xu hướng dịch vụ mới trong kinh tế và xã hội".

Chẳng hạn, các dịch vụ như làm việc từ xa, khám bệnh từ xa, họp video từ xa, đào tạo trực tuyến, tiếp thị trực tuyến ngày càng được trọng dụng. Giáo sư Yoo cho rằng trong dài hạn, nâng cấp mạng và đầu tư 5G sẽ được tăng tốc trên toàn cầu. Những nền tảng dịch vụ đám mây biết nương theo xu hướng mới sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất.

Du Lam (Theo Korea Herald)

No comments:

Powered by Blogger.