Ads Top

Họp online bằng giải pháp Jitsi nội địa để tránh lệ thuộc dịch vụ nước ngoài

Các giải pháp họp online trên nền tảng Jitsi của liên minh doanh nghiệp Việt được đặt nhiều kỳ vọng. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cần có thêm thời gian mới đánh giá được liệu các giải pháp này có thay thế được dịch vụ nước ngoài.

Giải pháp để không phụ thuộc dịch vụ nước ngoài

Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã khuyến nghị các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên dùng Zoom; các cá nhân, tổ chức khác cũng cần cẩn trọng khi sử dụng. Trước đó, nhiều quốc gia cũng đã có những khuyến nghị tương tự. Ngoài ra, cũng có nhiều đánh giá chuyên môn, nêu quan điểm quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật, riêng tư của người dùng khi sử dụng Zoom.

Nhìn nhận khách quan, hiện có nhiều doanh nghiệp ICT trong nước có khả năng cung cấp dịch vụ họp trực tuyến qua video. Tuy vậy, vẫn chưa có nhà cung cấp nào đủ quy mô lớn với mô hình điện toán đám mây để thay thế hoàn toàn các dịch vụ nước ngoài như Zoom, MS Teams, Cisco Webex, Google Meet. 

Bộ TT&TT đã đồng ý bảo trợ và giao Cục Tin học hóa đồng hành cùng liên minh CoMeet truyền thông các giải pháp họp trực tuyến trên nền tảng nguồn mở Jitsi (Ảnh minh họa).

Liên minh 5 doanh nghiệp nguồn mở Việt mới đây đã công bố các giải pháp hỗ trợ họp online trên nền Jitsi khá toàn diện và linh hoạt; từ tư vấn, thiết kế theo nhu cầu, triển khai trên hạ tầng sẵn có của khách hàng đến cung cấp cả gói hạ tầng riêng, bảo trì, hỗ trợ vận hành, tích hợp hệ thống. Chi phí các gói giải pháp dành cho tổ chức, doanh nghiệp ước tính từ 349 triệu đồng cho một lần triển khai và được sử dụng, hỗ trợ bảo trì vĩnh viễn.

Việc họp trực tuyến qua video đòi hỏi băng thông lớn. Lưu lượng đường truyền Internet ra quốc tế của Việt Nam còn giới hạn và thường xuyên gặp phải các sự cố cáp quang biển. Các dịch vụ nước ngoài có thể đặt hạ tầng máy chủ ở nhiều nơi trên thế giới, do đó việc sử dụng dịch vụ sẽ mất chủ động về định tuyến, dẫn tới thiếu ổn định trong cung cấp dịch vụ.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp ICT trong nước hoàn toàn có thể hóa giải bài toán trên bằng cách cung cấp giải pháp triển khai trên máy chủ đặt tại cơ quan, tổ chức và đặt tại ISP trong nước, không phụ thuộc đường truyền quốc tế. Từ đó có thể loại bỏ rủi ro đứt cáp quang biển, tăng cường an ninh và đảm bảo hiệu năng.

Về chất lượng hình ảnh, bộ định tuyến VideoBridge của Jitsi được phát triển theo công nghệ SFU với mô-đun Jicofo được cải tiến, giúp lựa chọn chất lượng hình ảnh từ một đầu cuối theo mức độ ưu tiên một cách thông minh hơn.

Công nghệ SFU truyền hình ảnh trực tiếp giữa các máy đầu cuối, không đòi hỏi máy chủ cấu hình cao, trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh khi họp với số lượng lớn. Phía đầu cuối, Jitsi sử dụng WebRTC hỗ trợ những công nghệ nén hình ảnh tiên tiến VP8 hoặc H.264 và sẵn sàng hỗ trợ công nghệ mới nhất VP9, đảm bảo chất lượng hình ảnh trong nhiều điều kiện tốc độ kết nối đa dạng.

Ngoài ra, trong lựa chọn nâng cao, tổ chức, doanh nghiệp có thể tích hợp với các hệ thống họp online có sẵn khác như Polycom, CISCO, Granstream, Yealink, tổng đài CCALL Cloud, SIP, chữ ký số và các hệ thống nghiệp vụ (dịch vụ công, một cửa điện tử, điều hành tác nghiệp)...

Nền tảng Jitsi được ứng dụng rộng rãi

Các giải pháp họp online của CoMeet được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở Jitsi. Đây là nền tảng được đánh giá có độ bảo mật, ổn định tốt và có tính khả khi cao.

Không chỉ sử dụng đơn giản, nền tảng nguồn mở từ lâu đã khẳng định nhiều ưu điểm đáng lưu tâm. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cho biết, việc triển khai các giải pháp trên nền tảng phần mềm nguồn mở đem lại những lợi ích lớn cho nhà phát triển, triển khai và cả đơn vị ứng dụng giải pháp công nghệ. Với Jitsi, đây là nền tảng được xây dựng trên cơ sở các giao thức truyền thông tiên tiến nhất và liên tục được phát triển dựa trên đóng góp của cộng đồng chuyên gia toàn cầu.

Các kỹ sư nguồn mở Việt Nam vốn được xem là am hiểu những vấn đề liên quan đến giấy phép bản quyền, quy tắc ứng xử, giao tiếp trong cộng đồng do có thời gian dài trực tiếp tham gia vào các công đoạn phát triển kỹ thuật của dự án phần mềm, từ phân tích yêu cầu, thiết kế hệ thống, lập trình, kiểm thử, xây dựng tài liệu… Do đó, họ có thể dễ dàng thiết kế kiến trúc, lựa chọn hạ tầng phù hợp, kiểm soát các vấn đề, sửa lỗi khi cần thiết, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật cho hệ thống.

Bên cạnh đó, mã nguồn mở cũng được rà soát ngang hàng liên tục để tăng cường mức độ an toàn, giảm thiểu khả năng tồn tại những lỗi tiềm ẩn, gây mất an toàn, an ninh, kể cả những lỗi “cố ý” do nhà phát triển thực hiện với mục đích xấu. Điều này đặc biệt quan trọng với các đơn vị ứng dụng là cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức lớn, có mức độ ảnh hưởng lớn trong xã hội hoặc các nhóm đối tượng “nhạy cảm”, dễ bị ảnh hưởng như các đối tượng yếu thế, trẻ em…

Tùy biến theo thiết kế nhưng chưa đáp ứng hệ thống “siêu lớn”

Mặc dù được kỳ vọng về chất lượng nhưng về số lượng, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp nội địa hiện vẫn chưa thể so sánh với sản phẩm nước ngoài như Zoom.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, các dịch vụ, giải pháp trong nước chưa thể sẵn sàng thay thế ngay các giải pháp nước ngoài trong tình trạng nhu cầu tăng đột ngột và khó lường trước như hiện nay. Hơn nữa, những dịch vụ nền tảng cho đến nay, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các tập đoàn toàn cầu. Các nền tảng này có bề dày, sức mạnh nguồn lực, sức mạnh hệ sinh thái mà không dễ để chúng ta có thể xây dựng ngay được.

Cũng theo ông Bình, hiện đã có nhiều doanh nghiệp công bố các giải pháp, dịch vụ có khả năng thay thế dịch vụ từ nước ngoài. Điều này ít nhiều giảm nhiệt cho các nhu cầu, bức xúc của người dùng trong nước. “Tuy nhiên, chắc chắn rằng vẫn cần thêm một thời gian nữa mới đánh giá được liệu các dịch vụ, giải pháp trong nước có thể thay thế được hoàn toàn các dịch vụ từ nước ngoài hay không”, ông Bình nhận định.

Đại diện CoMeet cũng cho hay: “Các giải pháp do liên minh cung cấp cần thêm thời gian để có thể cung cấp dưới dạng dịch vụ trên nền điện toán đám mây (Cloud Computing) cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng với quy mô lớn như các trường học và các tổ chức, doanh nghiệp lớn”.

Mặt khác, các giải pháp do liên minh doanh nghiệp Việt đưa ra còn phải đối diện nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Các chuyên gia cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ về ưu đãi và tạo thị trường từ cơ quan quản lý nhà nước để dần hình thành các dịch vụ Internet nội địa, với điều kiện phải hoàn toàn làm chủ công nghệ, không phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài và có thể cung cấp ở quy mô lớn.

Vân Anh

Rủi ro tiềm ẩn khi họp trực tuyến: Cơ hội của nền tảng nội?

Rủi ro tiềm ẩn khi họp trực tuyến: Cơ hội của nền tảng nội?

 Số lượng người dùng Zoom đã tăng từ 10 triệu lên 200 triệu chỉ trong 3 tháng, nhưng tất cả đã thành công cốc bởi những sự cố không ngờ. Đó cũng là rủi ro của chính môi trường mạng. 

No comments:

Powered by Blogger.