Ngân hàng Việt tiếp tục cảnh báo nguy cơ lừa đảo đánh cắp tài khoản
Các ngân hàng lớn cảnh báo kẻ xấu lợi dụng thời điểm này để lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản của người dùng.
Chỉ trong vài ngày gần đây, các ngân hàng như Vietcombank, HSBC, ứng dụng ngân hàng số Timo (VP Bank) đều gửi thông tin cảnh báo đến người dùng về nguy cơ bị đánh cắp thông tin tài khoản trong giai đoạn cách ly xã hội.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo, tội phạm công nghệ đang tận dụng giai đoạn này để thực hiện các hành vi lừa đảo lấy cắp thông tin thẻ, tài khoản của người dùng.
|
Kẻ xấu có thể lợi dụng tình hình hiện tại để đánh cắp thông tin thẻ, tài khoản của người dùng. Ảnh: Hải Đăng |
Tội phạm thực hiện nhiều hình thức lừa đảo qua thư điện tử, tin nhắn, website quyên góp từ thiện, trong đó có chứa virus/mã độc hoặc Iink tới website có chứa virus, mã độc để đánh cảp thông tin của khách hàng. Hoặc đối tượng giả mạo bộ phận hỗ trợ khách hàng để lừa cung cấp thông tin cá nhân.
Timo cho rằng tội phạm có thể giả mạo gọi từ cơ quan công an hoặc nhân viên tòa án yêu cầu người dùng chuyển một số tiền để tiến hành điều tra. Hoặc kẻ xấu có thể gửi tin nhắn giả mạo từ bạn bè hoặc người thân yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mã OTP.
Trong giai đoạn này, HSBC cho rằng kẻ lừa đảo còn mạo nhận email từ Tổ chức Y tế thế giới, từ các đơn vị quyên góp, đường link bản đồ theo dõi dịch bệnh,... nhằm lừa lấy thông tin tài khoản.
Tất cả các ngân hàng đều khẳng định không bao giờ yêu cầu khách cung hàng cấp mật khẩu, mã PIN, mã OTP hay chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản an toàn nào.
HSBC khuyên khách hàng luôn cẩn trọng với email, điện thoại, tin nhắn từ số lạ. Cần liên lạc với công ty hoặc tổ chức được nhắc đến, bằng email hoặc số điện thoại có thể xác minh là đúng.
Người dùng không nên chia sẻ thông tin cá nhân, bao gồm ngày tháng năm sinh, mật mã và thông tin thẻ. Đồng thời kiểm tra địa chỉ của các trang web ghé thăm có đáng tin hay không. Ngoài ra, cẩn trọng với các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và kiểm tra các thiết lập quyền riêng tư.
Kèm với đó, cần thường xuyên thay đổi mật mã, tránh dùng mật mã dễ đoán. Không dùng chung mật mã cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến và các trang web khác.
Người dùng nên thường xuyên cập nhật điều hành mới nhất cho máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh, và cài đặt phần mềm chống virus uy tín.
Trước đó, số liệu do công ty bảo mật Kaspersky công bố cho thấy các cuộc tấn công mạng tăng mạn trong thời gian gần đây. Cụ thể, từ cuối tháng Hai các cuộc tấn công bắt đầu gia tăng trên toàn cầu.
Tấn công mạng tiếp tục kéo dài từ đầu tháng 3 đến ngày 6/4. Trong đó, đỉnh điểm của các cuộc tấn công mạng rơi vào vào ngày 16/3, thời điểm các nước châu Âu ra quyết định cách ly xã hội. Chuyên gia này nhận định trong thời gian nhiều người làm việc tại nhà, các cuộc tấn công mạng đột ngột tăng lên.
Rất nhiều cách thức tấn công mạng giai đoạn này được đưa ra, bao gồm tấn công DNS, email lừa đảo, tấn công có chủ đích. Trong đó, số liệu cho thấy có nhiều cuộc tấn công vào khối y tế.
Hải Đăng
No comments: