Ads Top

"Phải thay đổi thói quen cũ để chuyển sang khám, chữa bệnh từ xa"

- Ông Nguyễn Mạnh Hổ, TGĐ Viettel Solutions cho rằng, khi triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa, khó nhất không phải là công nghệ mà là việc thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách khám cũ sang phương pháp online.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y đã triển khai nền tảng Telehealth - khám chữa bệnh từ xa do Viettel cung cấp. Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khám chữa bệnh trực tuyến, khám bệnh từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba, vừa giúp giãn cách xã hội, vừa minh bạch thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, giảm tiền mặt, giảm chi phí cho người dân. Từ mô hình thí điểm khám bệnh từ xa tại BV Đại học Y, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có đánh giá để rút kinh nghiệm, từ đó triển khai hoạt động này trên toàn quốc, huy động nhiều bác sĩ chuyên môn cao. 

'Phải thay đổi thói quen cũ để chuyển sang khám, chữa bệnh từ xa'
Bệnh viện Đại học Y khám trực tuyến cho bệnh nhân tại Lễ Khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa sáng 18/4. 

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chính nhờ hỗ trợ của công nghệ, nhờ hỗ trợ chuyên môn trực tuyến nên không còn khoảng cách trong Nam, ngoài Bắc, không phân biệt tuyến trên, tuyến dưới, ngay tuyến huyện cũng có thể được hội chẩn với các chuyên gia.

Chia sẻ về việc triển khai giải pháp này tới các bệnh viện, ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho rằng, Khi dự khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng kỳ vọng nền tảng này có thể được triển khai khắp 14.000 cơ sở y tế trên cả nước.

'Phải thay đổi thói quen cũ để chuyển sang khám, chữa bệnh từ xa'
Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Viettel Solutions cho rằng, khi triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa, khó nhất không phải là công nghệ mà là việc thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách thức khám chữa bệnh cũ sang phương pháp online. 

Về mặt kỹ thuật, sau lễ khai trương, Viettel vẫn tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Việc cải tiến và hoàn thiện là không ngừng. Nền tảng của Viettel có thể dễ dàng triển khai nhanh đến toàn bộ 14.000 cơ sở y tế trên cả nước là vì chạy trên môi trường cloud.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hổ cho rằng, thách thức lớn nhất cho việc triển khai này là phải thay đổi thói quen của người dân, của các y bác sĩ từ cách thức khám chữa bệnh cũ sang phương pháp khám chữa bệnh mới.

"Để giải quyết bài toán này, Viettel sẽ phối hợp với các bệnh viện, cơ quan quản lý của Bộ Y tế để chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh từ xa. Trước mắt, Viettel sẽ mời cơ quan quản lý y tế tham gia đào tạo, tập huấn các cơ sở khám chữa bệnh với quy mô khác nhau để làm mẫu, từ đó xây dựng quy trình khám chữa bệnh, chuẩn hóa và đào tạo với quy mô lớn hơn" ông Nguyễn Mạnh Hổ nói.

CEO Viettel Solutions cho rằng, để việc nhân rộng đạt hiệu quả thực sự, cần phải đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất, chúng ta phải có cơ sở pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa. Trước đây, các ý kiến chuyên gia thăm khám bệnh kiểu này chỉ đóng vai trò tư vấn. Do vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ cần chính thức hoá các ý kiến này giống như khám chữa bệnh trực tiếp. Thứ hai, khám chữa bệnh từ xa cũng phải có chính sách chi trả từ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế tương tự như khám trực tiếp. Thứ ba, các phần mềm, ứng dụng chỉ là một phần, chúng ta vẫn cần những thiết bị IoT, thiết bị y tế phục vụ thăm khám, đo chỉ số cá nhân tại gia đình với chất liệu và giá thành rẻ có thể chấp nhận được. Khi giải quyết được 3 vấn đề này thì người dân có thể ngồi tại nhà, thông qua các thiết bị trong khả năng chi trả để tương tác, chuyển thông tin sức khoẻ đến bệnh viện.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa cho vùng sâu vùng xa từ 3 năm nay. Tuy nhiên, thách thức của các bệnh viện là hạ tầng cơ sở. Các bệnh viện hiện nay khả năng đầu tư về công nghệ thông tin còn hạn chế, vì nguồn lực không có nhiều. Khó khăn thứ hai là chưa có một thông tư rõ ràng nào để có thể triển khai rộng rãi được.

'Phải thay đổi thói quen cũ để chuyển sang khám, chữa bệnh từ xa'
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Telehealth sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

"Với sự hỗ trợ của Viettel về phần cứng, các công nghệ nâng cấp cho bệnh viện vệ tinh và đặc biệt là chính ở bệnh viện chúng tôi thì việc hội chẩn trực tuyến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu phần mềm của Viettel thực sự tốt – chúng tôi cũng chưa thể khẳng định có tốt hay không vì mới ở giai đoạn đầu – thì chúng tôi có thể triển khai trên diện rộng tất cả các bệnh nhân tái khám ở bệnh viện. Họ có thể cài đặt ứng dụng này trong điện thoại thông minh để sử dụng trong việc hẹn tái khám, theo dõi trong quá trình điều trị và đặc biệt sẽ có một hồ sơ bệnh án riêng cho mỗi bệnh nhân. Như vậy khi tái khám sẽ rất thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của bác sĩ" ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Vẫn theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ phải sẽ cập nhật thông tin qua các buổi huấn luyện, học tập cách sử dụng cũng như làm quen với việc không khám trực tiếp cho người bệnh mà phải sử dụng các công cụ hỗ trợ. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ xây dựng những quy trình chặt chẽ về chuyên môn, tránh trường hợp bỏ sót chẩn đoán khi chúng ta không trực tiếp thăm khám được. 

Thái Khang

No comments:

Powered by Blogger.