Bản quyền nội dung - Điểm yếu chí tử của báo điện tử ở Việt Nam
Thói quen đọc miễn phí đang “giết” các tờ báo online
Theo ý kiến của nhiều cơ quan báo chí, báo chí Việt Nam đang gặp khó bởi thói quen đọc báo online miễn phí của người dùng mạng. Ngay cả chính những người làm báo cũng mặc nhiên với ý nghĩ mình phải làm báo online miễn phí.
Người dùng Việt Nam lâu nay đã quen với việc đọc báo mạng miễn phí. |
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TPHCM cho rằng, sự phổ biến của thói quen này bắt nguồn từ một lý do chủ quan khác. Ngay từ thời điểm xuất hiện những trang báo điện tử đầu tiên, nhiều tòa soạn chỉ “di cư” trang báo giấy của mình lên mạng, không có nhiều những nội dung được sản xuất riêng cho báo điện tử và thực sự đúng nghĩa điện tử.
Ở thời điểm đó, những tờ báo giấy có nguồn thu lớn từ bạn đọc, có lượng quảng cáo lớn không mặn mà cho sự ra đời của các phiên bản online. Do ít được đầu tư, phiên bản điện tử của các tờ báo này cũng không đem tới những nguồn thu như kỳ vọng.
Với những báo điện tử xuất phát điểm từ các công ty công nghệ hoặc hợp tác với đối tác công nghệ, họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường báo mạng. Lượng độc giả và nguồn thu quảng cáo dồi dào ở thời kỳ đầu khiến các trang này cũng chưa tính tới giải pháp thu tiền người đọc báo online.
Tới khi mạng xã hội xuất hiện và hút phần lớn doanh thu quảng cáo tại Việt Nam, các trang báo điện tử mới bắt đầu nhận thấy sự thiếu hụt nguồn thu từ độc giả.
“Đến lúc này, người đọc đã hình thành thói quen thụ hưởng nội dung miễn phí từ các tờ báo. Cũng bởi vậy, người làm báo cứ mãi loay hoay tìm cách thu phí độc giả online”, ông Lê Xuân Trung cho hay.
Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền nội dung vẫn là điểm yếu chí tử của báo mạng khi vấn nạn xào xáo của các tờ báo mạng khiến nhiều bài viết có nội dung tương tự nhau, khiến mặt bằng thông tin trở nên nhạt nhòa, khó ghi dấu ấn, dẫn đến việc bán sản phẩm của các tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn.
“Không thể có một tin bài hay khi bài viết vừa xuất hiện là ngay lập tức tràn ngập trên các trang báo điện tử và mạng xã hội. Các báo điện tử liệu có sẵn sàng cam kết bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của nhau không?”, nhà báo Lê Xuân Trung đặt câu hỏi.
Để bán được báo online, công tác bản quyền là điều mà những người làm báo chân chính bắt buộc phải nghĩ đến.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Sự sụt giảm doanh thu của ngành báo chí không phải là cá biệt mà được xem như xu hướng chung của nhiều lĩnh vực truyền thống khi bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp số. Đứng trước sự “bành trướng” của Google, Facebook… nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã tìm hướng phát triển riêng, thích ứng với thời đại công nghệ mới.
Bản quyền nội dung vẫn là điểm yếu chí tử của báo điện tử Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong nửa đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nếu như báo chí điện tử Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh lượng truy cập của người dùng nhưng lại sụt giảm nặng nề nguồn thu, thì nhiều đơn vị báo chí nước ngoài lại thu thêm lượng lớn thuê bao người đọc báo (người đọc trả phí để đọc báo). Ví như tờ New York Times qua nửa đầu năm 2020 đã có hơn 6 triệu thuê bao đăng ký mua tin tức trên toàn thế giới.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, người dùng Việt Nam sử dụng thời gian dành cho báo điện tử nhiều gấp 3 lần so với báo chí truyền thống. Chỉ trong vòng 1 năm (2018 và 2019), lượng thuê bao truy cập báo điện tử tăng gấp 2 lần.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, từ đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, ngày càng nhiều người muốn tìm đến các tờ báo chính thống để nắm thông tin. Tuy nhiên, người làm các sản phẩm báo chí không thể làm việc không công mãi. Thu phí người đọc báo là xu thế tất yếu phải xảy ra, nếu các cơ quan báo chí muốn “sống” dài và “sống” khỏe./.
No comments: