Nhà mạng phản hồi chuyện Speedtest báo cáo tốc độ Internet của Việt Nam sụt giảm
Các nhà mạng khẳng định rằng tốc độ Internet của Việt Nam hiện nay tăng đáng kể do nhà mạng đầu tư mạnh cho mạng lưới và đưa băng tần 2.6 GHz vào thử nghiệm.
|
Các nhà mạng cho rằng, tốc độ Internet của Việt Nam hiện nay tăng đáng kể do các nhà mạng đầu tư mạnh cho mạng lưới và đưa băng tần 2.6 GHz vào thử nghiệm. |
Theo Speedtest, tháng 6/2020, tốc độ Internet di động của Việt Nam ngang ngửa mức trung bình thế giới. Tuy vậy, tốc độ Internet băng rộng cố định của Việt Nam chỉ bằng 70% so với mức trung bình thế giới.
Thống kê của Speedtest cho thấy, trong tháng 6/2020, tốc độ download Internet di động của Việt Nam trung bình đạt 33,12 Mbps. Trong khi đó, tốc độ download Internet di động trung bình của thế giới là 34.67 Mbps. Với kết quả này, có thể thấy tốc độ Internet di động của Việt Nam chỉ ngang ngửa mức trung bình. Việt Nam hiện đứng thứ 60 thế giới về tốc độ đường truyền Internet di động và chỉ bằng 70% so với mức trung bình thế giới (78.26 Mbps).
Trong bản báo cáo hồi tháng 5/2020 của Speedtest công bố tốc độ truy nhập Internet của các nước trên thế giới, Việt Nam có tốc độ tải xuống băng rộng di động đạt 32,83 Mbit/s giảm 6,25% so với tháng 4/2020, xếp hạng 60 (tăng 4 bậc so với tháng 5/2019, giảm 11 bậc so với tháng 4/2020).
Trả lời ICTnews về kết quả của Speedtest, ông Đào Xuân Vũ, CEO Viettel Net cho hay, các chỉ số đo về tốc độ Internet hiện tăng khá tốt, đặc biệt sau khi Viettel được Bộ TT&TT cho phép thử nghiệm băng tần 2.6 GHz cho 4G tại 12 tỉnh, thành.
"Mới đây, Bộ TT&TT đã tiến hành đo kiểm chất lượng mạng data của các nhà mạng tại một số tỉnh và sắp công bố công khai. Theo kết quả đo kiểm này, chất lượng mạng Internet di động của Viettel rất tốt. Như vậy, tốc độ di động của Viettel tăng mạnh chứ không hề có chuyện sụt giảm", ông Vũ nói.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho hay, thời gian qua mạng MobiFone đã được đầu tư rất mạnh nên chất lượng dịch vụ tăng lên. Đáng chú ý là ảnh hưởng bởi Covid-19 nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ như thoại và data giảm. Khi mạng lưới được đầu tư mạnh, nhu cầu sử dụng dịch vụ ít hơn thì chất lượng mạng Internet phải tăng lên chứ không có chuyện giảm đi.
Bình luận về kết quả đo kiểm của Speedtest, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, mạng lưới được các nhà mạng đầu tư rất mạnh nên chất lượng đang tăng, không có chuyện giảm. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm băng tần 2.6 GHz cho 4G cho nhà mạng nên kết quả đo kiểm tăng nhiều so với trước.
"Các chỉ số đo chất lượng mạng Internet tại Việt Nam của Speedtest trong tháng qua bị sụt giảm có thể xuất phát từ thực tế khi chống dịch Covid-19 bị cách ly xã hội, nhiều người ở nhà và dùng Wi-Fi, ít dùng dịch vụ 3G - 4G. Kết quả đo của Speedtest trong thời gian này cao vì chất lượng Wi-Fi ổn định, nhưng sau đó hết cách ly xã hội, mọi người quay trở về cuộc sống bình thường và sử dụng dịch vụ 3G - 4G nên kết quả đo kiểm chất lượng Internet bị giảm. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ về việc này để có bức tranh rõ ràng hơn về chất lượng Internet của Việt Nam", ông Lê Văn Tuấn nói.
N.T.
Cung cấp Internet qua khinh khí cầu đối mặt với những khó khăn gì?
Nhờ vào trí tuệ nhân tạo (AI), những quả khinh khí cầu cung cấp Internet ở Kenya đã tự học được cách phải đi đâu và làm thế nào để định hướng.
No comments: